Nguồn gốc các đòn đá cao trong Karate: từ Savate đến Sundome Kumite

SƠ LƯỢC

Trong môi trường Karate hiện đại, sẽ không khó để bắt gặp các đòn đá cao như Mawashi Geri, Ura Mawashi Geri.... Tuy nhiên, có một điều không phải ai cũng biết, Karate Okinawa (Okinawa là nơi khai sinh Karate) không hề có các kỹ thuật đá cao như vậy.

Trên thực tế, nếu để ý kỹ, dựa trên các ghi chép, biên soạn bởi những bậc thầy Karate thời kỳ đầu, chúng ta không hề thấy bất kì vết tích gì của các đòn đá ngoạn mục, đầy hoa mỹ như vậy.

Nếu đặt phong cách Karate hiện đại và truyền thống lên bàn so sánh. Karate hiện đại như là một môn võ thiên về biểu diễn, một môn thể thao đầy tính lành mạnh để rèn luyện sức khoẻ. Nói chính xác hơn là "môn thể thao biểu diễn". Karate truyền thống đề cao tính kỷ luật, sự rèn luyện đơn điệu mang nét cổ điển, không đề cao sự tranh đấu của cá nhân.

Ngay từ thưở ban đầu, Karate là một môn võ mang hơi hướng triệt hạ. Sau khi du nhập vào Nhật Bản, Karate dần chuyển sang giai đoạn tự hoàn thiện. Khi so sánh các môn võ thể thao có nguồn gốc Nhật Bản phổ biến trong thời kỳ đó như Kendo, Judo thì Karate thiếu hoàn toàn các phương thức cụ thể để kiểm tra trình độ của một cá nhân, hay sự hiệu quả của một chương trình giảng dạy. Thông thường, trong Judo hoặc Kendo, người tập hoàn toàn có thể tự thực hành với nhau chỉ trong một vài buổi tập ngắn. nhưng tại thời điểm đó, các Karateka không thể sử dụng Kata để đấu với nhau. Các chương trình luyện tập truyền thống chủ yếu là Kihon, Kata, Bunkai. Chúng không được thiết kế để đem ra thi đấu, bởi đơn giản là vấn đề an toàn, các đòn thế mang tính sát thương lớn, gây nguy hiểm cho người luyện tập lẫn đối phương.

Giải pháp cho vấn đề này đã được tìm thấy ở một môn võ hoàn toàn xa lạ đối với cư dân Nhật Bản mang tên "Savate" hay là Kick Boxing Pháp dựa trên nền tảng môn đấu kiếm (phong cách phương Tây). Savate cũng là tên của một loại giày mà người Pháp thường mang khi chơi đấu kiếm trong thế kỷ 17,18. Khi kiếm bị cấm ở Pháp, các vận động viên này đã sử dụng chân để đá. Đó là lý do nó được gọi là "Savate", nghĩa đen là đấu kiếm bằng chân.

Khi nhìn vào tài liệu hướng dẫn "Savate" cũ, có thể thấy chúng có nhiều sự tương đồng với Karate hiện đại. Những đòn đá mà Karate Okinawa không có thì chúng đều xuất hiện ở trong này. Thậm chí là kỹ thuật Kizami Zuki (nó có thể hiểu đơn giản là một cú đâm mũi kiếm về phía trước nhưng thay kiếm bằng nắm đấm). Mỗi cú đá đều có thể sử dụng theo hai cách khác nhau đó là bắn ra (keage) hoặc đẩy (kekomi).

Savate đã phát triển hệ thống tính điểm dựa trên cú chạm đầu tiên, sau khi bị trúng đòn, các võ sĩ sẽ hét lên "touche", tương tự như Karate hiện đại hét "Kiai", "stop" tương đương với "yame"..

TRỞ THÀNH KARATE HIỆN ĐẠI

Tất cả đều dựa trên 1 sự việc đã xảy ra vào năm 1870 - 1871 được gọi là "trận Sedan" (Là một cuộc chiến quan trọng trong chiến tranh Pháp - Đức), khi người Pháp bị đánh bại bởi quân Đức. Để khắc phục sự ô nhục này, đồng thời truyền cảm hứng cho người dân của mình, người Pháp đã tạo ra phương thức huấn luyện mới, đồng thời kết hợp với thể dục dụng cụ Đức và Savate, một phương thức luyện tập võ thuật hoàn toàn mới. Hình thức này đã thành công vang dội khắp cả nước, trong quân đội cũng như trường học. Và.... lan đến cả Nhật Bản.

Thời điểm này, Nhật Bản đang cố gắng mở cửa, tìm cách trở thành một siêu cường toàn cầu. Họ vay mượn mọi thứ từ phương Tây (tiêu biểu là cuộc Duy Tân Minh Trị).

Người Pháp đã được yêu cầu gửi các chuyên gia quân sự đến Nhật Bản, họ mang theo cả Savate đang thịnh hành. Trong đó, có một người đã cực kỳ ấn tượng với Savate, Yoshitaka Funakoshi hay Funakoshi Gigo (con trai của người sáng lập Shotokan - Funakoshi Gichin). Yoshitaka Funakoshi sinh ra ở Okinawa, nhưng anh đã đến Tokyo cùng với cha mình vào năm 17 tuổi. Về sau, anh trở thành người chịu trách nhiệm chính giảng dạy Karate cho các trường đại học của Nhật Bản. Bằng kinh nghiệm và trình độ, sự nhạy bén của bản thân. Anh đã có những sự thay đổi đáng kể trong Karate của mình.

Theo bài viết của Donn F.Draeger, chuyên gia hàng đầu thế giới về Budo Nhật Bản: "Karate Nhật Bản nói chung, dưới sự ảnh hưởng của Funakoshi (ở đây chỉ con của Funakoshi Gichin), Karate cuối cùng cũng đã trở thành một hình thức gần như chiến đấu, anh đã loại bỏ cả kỹ thuật sử dụng vũ khí và kỹ thuật ném, quật ... Nhiều kỹ thuật nếu sử dụng trong chiến đấu có thể để lại nhiều hậu quả nguy hiểm cho người sử dụng". Trong thời điểm này, người Nhật Bản có lòng tự tôn dân tộc cực kỳ cao, Yoshitaka cũng vậy, anh là người hâm mộ của quân đội Nhật Bản. Vì vậy, anh đã sao chép hoàn toàn phương thức huấn luyện của quân đội, cùng với những kỹ thuật đá của Savate. Bởi vì đó là thứ Karate cần nếu nó muốn tồn tại. Kết quả là Karate đã bùng nổ mạnh mẽ ở Nhật Bản, những quyển sách được xuất bản trong thời điểm này trở đi đều luôn chứa hình minh hoạ là những cú đá cao ngoạn mục. Kỹ thuật tung người đá, ... đó đều là những điều mà các võ sư Karate trước đây không hề sử dụng.

Vào năm Funakoshi Gichin qua đời, giải Karate toàn Nhật Bản đầu tiên được tổ chức, đánh dấu một loại Karate mới được xuất hiện. Đó chính là Karate thể thao hiện đại - Sundome Kumite. Cho đến nay, hình thức "Sundome Kumite" đã và đang tiếp tục khơi dậy nhiều luồng ý kiến trái chiều của các thế hệ Karate sau. Nhưng dù thế nào, không ai có thể phủ nhận sự hình thành thể thức "Sundome Kumite" đã góp công lớn cho sự truyền bá Karate đến với thế giới.

Nguồn: HYAKUSENKAN - KARATE

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn